Thủ tục Đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam

28/04/2024    105    5/5 trong 1 lượt 
Thủ tục Đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam
Nhiều khách hàng tìm hiểu về hồ sơ bảo lãnh diện vợ chồng ở các quốc gia luôn có câu hỏi về thủ tục đăng ký kết hôn với người mang quốc tịch nước ngoài tại Việt Nam. Trong bài viết này, Quỳnh sẽ tổng hợp một số kiến thức chung để mọi người hiểu hơn về thủ tục này.

Trong nhiều năm gần đây, việc kết hôn với người nước ngoài không còn xa lạ với người dân Việt Nam. Các cặp đôi sau khi đăng ký kết hôn có thể tiếp tục sinh sống tại Việt Nam hoặc người vợ/chồng sẽ được bảo lãnh để định cư tại nước ngoài.

Điều kiện đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam

Luật hôn nhân và gia đình của Việt Nam (thông qua ngày 19 tháng 06 năm 2014) có quy định tại Chương II, điều 8 và chương VIII điều 121 - 126 về các quy định kết hôn và kết hôn có yếu tố nước ngoài. Theo đó, cả hai phải đáp ứng các điều kiện sau để tiến hành đăng ký kết hôn:

- Nam từ 20 tuổi trở lên; Nữ từ 18 tuổi trở lên

- Việc kết hôn là tự nguyện

- Không bị mất hành vi dân sự

- Việc kết hôn không thuộc các trường hợp tại khoản 2 điều 5 của luật này (bao gồm kết hôn giả, tảo hôn, cưỡng hôn, không đang trong tình trạng độc thân hợp pháp, kết hôn cận huyết)

Đặc biệt lưu ý, hiện nay nhà nước Việt Nam vẫn chưa cho phép kết hôn đối với hôn nhân đồng giới.

Các quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài trong hôn nhân tương tự như công dân Việt Nam. Nếu công ước quốc tế có sự khác biệt về luật này, Việt Nam sẽ điều chỉnh luật theo công ước quốc tế nếu là thành viên. Ngoài ra, trong việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, mỗi bên phải tuân theo pháp luật của nước mình về điều kiện kết hôn; nếu việc kết hôn được tiến hành tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thì người nước ngoài còn phải tuân theo các quy định của Luật này về điều kiện kết hôn.

Như vậy, trường hợp nếu người chồng là công dân Mỹ chưa đủ 20 tuổi thì sẽ chưa được đăng ký kết hôn tại Việt Nam, dù điều này hợp lệ ở Mỹ (tuổi kết hôn ở Mỹ là 18 tuổi, một số bang có thể thấp hơn).

Quy trình đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam

Bạn và vợ/chồng người nước ngoài có thể tiến hành đăng ký kết hôn tại Việt Nam thông qua 02 hình thức:

- Nộp hồ sơ tại Bộ phận một cửa/ Trung tâm hành chính công của UBND cấp huyện có thẩm quyền.

- Nộp online thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia (https://dichvucong.gov.vn)  hoặc cổng dịch vụ công cấp tỉnh, sau đó chọn đúng UBND cấp huyện có thẩm quyền.

Bước 1. Người đăng ký kết hôn điền thông tin theo biểu mẫu kèm bản chụp hoặc bản sao điện tử các giấy tờ (nếu nộp online) hoặc chuẩn bị đủ giấy tờ và nộp tại Bộ phận một cửa (nếu nộp trực tiếp).

Bước 2. Cán bộ tiếp nhận kiểm tra tính đầy đủ, chính xác và hợp lệ của hồ sơ.

Bước 3. Trả phiếu hẹn gửi kết quả. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc cần thay đổi, bổ sung, xác thực thì sẽ được thông báo để hoàn thiện.

Bước 4. Cấp giấy chứng hôn điện tử hoặc cán bộ hộ tịch in giấy chứng nhận kết hôn khi làm hồ sơ trực tiếp.

Hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam

Cặp đôi tiến hành đăng ký kết hôn cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ sau (lưu ý bản chính, bản sao) để thủ tục được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả.

- Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu (tải tại đây) khi nộp hồ sơ trực tiếp hoặc Mẫu đăng ký kết hôn điện tử nếu nộp online (tải mẫu tại đây)

+ Giấy tờ phải nộp (tất cả đều là bản chính)

- Giấy xác nhận của tổ chức y tế về tình trạng làm chủ hành vi dân sự

- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân/ chứng nhận độc thân

- Bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị tương đương

- Một số giấy tờ khác liên quan đến tình trạng hôn nhân hoặc biên chế của công dân Việt Nam.

+ Giấy tờ phải xuất trình:

- Hộ chiếu hoặc thẻ căn cước công dân

- Giấy tờ chứng minh thông tin cư trú

* Đối với người nước ngoài thì giấy xác nhận độc thân cần hợp pháp hoá theo luật định của Việt Nam. Ví dụ trường hợp công dân Mỹ hoặc thường trú nhân Mỹ phải có tuyên thệ độc thân (làm tại lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam) hoặc Công hàm độc thân (làm tại Mỹ, văn phòng hợp pháp hoá của Tổng lãnh sự quán Việt Nam).
Có một kinh nghiệm mà nhiều khách hàng chia sẻ khi làm hồ sơ kết hôn và bảo lãnh định cư Mỹ, đó là thứ tự họ tên trên các loại giấy tờ từ Mỹ phải khớp với thứ tự trên hộ chiếu và CCCD của người được bảo lãnh ở Việt Nam. Ví dụ: người vợ ở Việt Nam tên theo CCCD là Nguyễn Thị Nga, thì trên công hàm độc thân của chồng xin ở Mỹ, phải ghi tên vợ là Nguyen Thi Nga, chứ không nên ghi là Nga Thi Nguyen nhằm tránh rắc rối khi làm thủ tục đăng ký kết hôn tại Việt Nam

Bình luận